Mỗi ngày khi nhìn thấy bé lớn lên là một điều mà các bậc làm cha mẹ đều cảm thấy hạnh phúc. Với những đêm khi bé ngủ, nhìn thấy bé đắm chìm vào những câu chuyện kể với nhiều ý nghĩa trong cuộc sống chắc chắn ai cũng sẽ thấy vui tươi. Dưới đây là danh sách 18 những mẩu chuyện ngắn để kể cho bé trước khi ngủ dành cho mẹ kể cho bé nghe để bé có thể đi vào giấc ngủ ngon mỗi đêm.
Những câu chuyện ngắn mà mẹ nên kể cho bé mỗi đêm khi ngủ
CHUYỆN KỂ THỨ 1: NHỮNG CHIẾC KẸP HOA
Bé Bông sống cùng bà trong một ngôi nhà nhỏ. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hai bà cháu rất yêu thương nhau. Bé Bông rất ngoan, vâng lời bà và luôn bên cạnh để phụ giúp bà việc nhà.
Bà lớn tuổi nên sức yếu. Do đó hàng ngày Bông thường đi bắt cá ở con suối nhỏ gần nhà, hay hái những quả xoài, quả khế chín vàng ươm ở trước sân rồi mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo, thịt.
Tuy nhiên bé Bông không biết tiết kiệm. Cô bé thường dùng tất cả số tiền còn dư sau khi mua thức ăn để mua những chiếc kẹp hoa xinh đẹp. Mỗi ngày bé Bông thường mua từ hai đến năm chiếc kẹp. Về đến nhà, cô bé liền đứng trước gương, kẹp những chiếc kẹp đủ sắc màu mới mua lên tóc rồi nhìn ngắm mình mãi không thôi. Dần dần, số kẹp bé Bông mua trở nên nhiều đến nỗi chiếc hộp đã không còn chỗ để.
Một buổi sáng nọ bà đột nhiên bị sốt, nằm mê man trên giường. Bé Bông lục lọi khắp nhà nhưng không kiếm được đồng nào để mua thuốc cho bà. Cô bé định đi bắt cá hay hái trái cây đem bán, nhưng cá thì không có, trái thì còn non. Cô bé chợt nhớ ra:
– Mình còn những chiếc kẹp mà.
Thế là bé Bông vội vàng ôm hộp kẹp ra chợ, nhưng cô bán kẹp từ chối mua lại.
Bé Bông buồn so ôm hộp kẹp về nhà. Bông thật ngạc nhiên khi thấy bà đã tỉnh, xung quanh là các cô hàng xóm. Các cô đã ghé qua cho bà uống thuốc và ăn cháo. Bông ùa vào lòng bà nức nở.
– Bà ơi cháu sai rồi, từ nay cháu sẽ dành dụm tiền, không phung phí tiền mua kẹp nữa. Những chiếc kẹp tuy đẹp nhưng chẳng giúp gì cho bà cháu mình những lúc thế này.
Nghe Bông nói, mọi người đều vui vì Bông còn bé mà đã hiểu chuyện.
CHUYỆN KỂ THỨ 2: NỮ THẦN MÙA XUÂN
Sắp đến mùa xuân nên Thượng Đế mở một cuộc thi để chọn ra gương mặt đại diện cho mùa đẹp nhất trong năm này. Các tiên nữ háo hức chuẩn bị trang phục cầu kỳ để dự thi.
Tiên Mây nhờ thần Gió gom những vầng mây đẹp nhất dệt thành chiếc áo dạ hội sáng chói lóa.
Nàng tiên Ánh Sáng vốn được Thượng Đế cưng chiều nên đoán chắc mình sẽ được chọn. Nàng suốt ngày lo trang điểm bằng rất nhiều màu tuyệt đẹp mượn từ thần Sắc Màu đến mức xao nhãng cả việc phát sáng cho khắp thế gian, khiến trái đất chỉ còn màu xám buồn thảm.
Thiếu ánh sáng nên các khu vườn ở trái đất trở nên ủ rũ. Cây không thể ra hoa, kết trái, muông thú, vạn vật chìm trong cơn ngái ngủ, chim chóc không thèm cất tiếng hót. Những người nông dân vô cùng lo lắng, buồn bã vì họ có nguy cơ mất trắng khi vụ mùa không thu hoạch được. Họ khóc than vang vọng đến tai nàng tiên Hương. Đang bận rộn sắp xếp các túi hạt thơm để phân phát cho các loài hoa, tiên Hương vẫn nhanh chóng xuống trần tìm hiểu sự tình.
Biết chuyện, tiên Hương bay đến gặp tiên Ánh Sáng để trình bày, nhưng nàng chưa kịp nói gì thì tiên Ánh Sáng đã xua tay:
− Ta bận lắm, lúc khác hãy nói chuyện nhé!
Thế là tiên Hương phải năn nỉ tiên Mây cho mình mượn chiếc áo ánh sáng. Thần Gió giúp nàng thổi ánh sáng và các loại hương thơm khắp nơi, mang đến sức sống cho muôn loài. Nhân gian lại rộn lên tiếng nói cười, hoa nở khoe sắc khắp nơi, ong bướm rập rờn như trẩy hội.
Nghe thần Gió kể, Thượng Đế vô cùng tức giận. Người quở trách tiên Ánh Sáng và phong tiên Hương làm nữ thần mùa xuân.
Song tiên Hương từ chối:
− Thưa ngài, mùa xuân tươi đẹp là nhờ sự góp sức của mọi người như thần Gió, tiên Mây… chứ không phải công của mình con ạ.
Dù nàng không nhận danh hiệu nhưng mọi người vẫn đồng lòng tôn vinh nàng là nữ thần mùa xuân
CHUYỆN KỂ THỨ 3: GẤU CON BỊ SÂU RĂNG
Hôm nay là sinh nhật của Gấu con. Sơn Ca tặng cho Gấu một cây kẹo mút. Sóc Nâu thì mang đến cho Gấu con một rổ hạt dẻ rất to. Còn bạn Ong thì dành riêng tặng Gấu một hũ mật ong thơm phức. Gấu thích lắm.
Gấu con vào phòng của mình và bắt đầu thưởng thức quà của các bạn. Gấu ăn lấy ăn để, không chừa lại phần nào. Ăn xong, Gấu lăn lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, Gấu thấy răng ê buốt quá. Mẹ đưa Gấu con đến bác sĩ Hươu ngay.
Bác sĩ Hươu xoa đầu Gấu và nói ”Cháu bị sâu răng rồi! Hôm qua ăn bánh kẹo và đi ngủ không đánh răng đúng không nào?”
Gấu cúi đầu không dám trả lời vì Bác sĩ Hươu đã nói đúng. Lúc này, bác sĩ Hươu lại bảo: ”Bác sẽ gắp con sâu ra cho cháu, nhưng cháu hứa là từ nay về sau không nên ăn nhiều đồ ngọt quá và phải đánh răng trước khi đi ngủ nhé. Như vậy cháu mới không bị sâu răng và có hàm răng đẹp nhé!”
Gấu con vâng lời bác sĩ Hươu và cùng mẹ về nhà.
CHUYỆN KỂ THỨ 4: SỰ TÍCH MÈO VÀ CHUỘT
Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhận được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.
Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian.
Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn no nê. Đến nỗi người phải có câu than rằng:
“Chuột kia xưa ở nơi nào ?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?”
Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:
– Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?
Trời nói:
– Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.
Vua Bếp tâu:
– Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm, chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.
Trời nghe tâu, phán rằng:
– Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: “Nghèo, nghèo, nghèo”, thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.
Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột và cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dạy mà làm.
Thành thử bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ “gầm gừ, gầm gừ” và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: “nghèo, nghèo, nghèo, nghèo”…
Nhưng lúc ấy, mèo ngồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp để phóng uế.
CHUYỆN KỂ THỨ 5: KIẾN CON ĐI XE Ô TÔ
Kiến con leo lên xe buýt. Kiến muốn vào rừng xanh thăm bà ngoại. Trên xe đã có dê con, chó con, khỉ con, lợn con ngồi. Có bạn trong bọn họ vào rừng hái nấm, có bạn vào rừng chơi trốn tìm, có bạn đến dạo chơi ở bên hồ ở trong rừng.
“Bim Bim”, xe dừng ở bến đón khách. Một bác gấu lên xe. Bác đến rừng xanh để thăm cháu. “Ngồi vào đâu bây giờ?”, chỗ ngồi đã chật kín.
Dê con bảo: “Bác gấu ơi, đến ngồi chỗ của cháu đi bác!”.
Chó con bảo: “Bác gấu ơi, đến ngồi chỗ của cháu đi bác!”.
Mọi người cùng bảo: “Bác gấu ơi, đến ngồi chỗ của cháu đi bác!”.
Bác gấu nói: “Cám ơn các bạn, cám ơn các bạn nhỏ tốt bụng. Bác ngồi chỗ của các cháu, các cháu lại phải đứng”.
Lúc đó kiến mới leo đến bên bác gấu, cố nhoi lên và cất giọng nói: “Không, không, mời bác lại ngồi chỗ của cháu”.
Bác gấu hỏi lại: “Thế cháu ngồi vào đâu?”. Kiến con lấp láy ánh mắt một cách hóm hỉnh. Bác gấu ngồi vào chỗ của kiến con. “Ồ, kiến con đi đâu rồi nhỉ?”.
“Bác gấu ơi, cháu ở đây!”. Bên tai bác gấu vang lên tiếng của kiếng. Té ra kiến con đã leo lên vai bác gấu ngồi chễm chệ trên đó.
Trên đường đi, kiến con hát cho bác gấu nghe nhiều bài hát. Những bài hát du dương quá, hay quá khiến bác gấu lim dim đôi mắt, nghẹo đầu lắng nghe.
CHUYỆN KỂ THỨ 6: ĐÔI BẠN TỐT
Câu chuyện về tình bạn của Vịt con và Gà con
Thím Vịt bận đi chợ xa đem con đến gửi bác gà mái mẹ. Gà mái mẹ gọi con ra chơi với Vịt con. Gà con xin phép mẹ dẫn Vịt con ra vườn chơi và tìm giun để ăn. Gà con nhanh nhẹn đi trước. Vịt con lạch bạch theo sau.
Thấy Vịt con chậm chạp, Gà con tỏ ra không thích lắm. Ra tới vườn, Gà con lấy hai chân bới đất tìm giun. Ngón chân của Vịt có màng không bới đất được. Vịt con cứ lạch bạch khiến đất bị nén xuống. Gà con không tài nào tìm giun được.
Gà con tức quá nói với Vịt con :
– Bạn chẳng biết bới gì cả, bạn đi chỗ khác chơi để tôi bới một mình vậy.
Vịt con thấy Gà con nổi giận với mình cũng buồn, liền bỏ ra ao tìm tép ăn.
Một con Cáo mắt xanh, đuôi dài nấp trong bụi rậm, thấy Gà con đi tìm mồi một mình định nhảy ra vồ. Gà con sợ quá vội ba chân bốn cẳng chạy ra bờ ao. Gà con vừa chạy vừa kêu : “Chiếp, chiếp, chiếp!”.Vịt con đang lặn ngụp tìm tép, nghe tiếng bạn gọi vội lướt nhanh vào bờ kịp cõng bạn ra xa. Cáo chạy tới bờ đã thấy Gà và Vịt đang ở gần ao sâu. Chờ mãi không được, Cáo liếm mép và bỏ đi.
Nhờ Vịt có đôi chân như mái chèo bơi rất nhanh mà Gà con thoát chết… Lúc này Gà con mới thấy việc mình đuổi Vịt con là không tốt, và xin lỗi bạn. Vịt con không giận mà còn mò tép cho gà con ăn.
Từ đấy mỗi khi Vịt con đến chơi. Gà con mừng tíu tít đi tìm giun cho Vịt con ăn. Gà con nhanh nhẹn đi trước, Vịt con lạch bạch theo sau. Hai bạn Gà và Vịt rất quý mến nhau.
CHUYỆN KỂ THỨ 7: BÉ BI NGHỊCH NGỢM
Bé Bi 4 tuổi và rất nghịch ngợm, vì vậy mẹ cũng thường xuyên phải lo lắng cho cậu.
Nhân dịp hè, trường Bi tổ chức cho các bé đi tham quan công viên. Tuy rất lo nhưng mẹ của Bi cũng đồng ý cho con đi và dặn dò thật kỹ:
– Khi đi chơi con phải nhớ luôn đi cùng cô giáo và các bạn nhé. Con đừng mãi chơi quá mà lạc đường nha con.
Bi dạ rõ to:
– Dạ, con nhớ rồi mà, mẹ cứ yên tâm.
Đến công viên, Bi rất thích thú với các trò chơi như đu quay, tàu lượn nên dù các bạn đi theo cô hết rồi mà Bi cứ tự ý đứng lại xem thật lâu. Cô giáo đã mấy lần phải quay lại tìm Bi và nhắc nhở cậu bé nhưng Bi vẫn không nghe.
Bi rất nghịch ngợm nên suýt nữa bị lạc rồi đấy!
Lúc cô giáo đưa cả lớp đến tham quan chuồng khỉ, Bi thấy người lớn đang cho khỉ ăn chuối. Cậu mãi mê xem khỉ mà không hay cả lớp và cô giáo đã đi từ lúc nào.
Khi xem xong Bi quay lại định đi theo các bạn thì không ngờ mình đã lạc khỏi đoàn. Sợ hãi Bi òa lên khóc nức nở.
Một lúc sau , cô giáo phát hiện ra đã lạc Bi, cô nhanh chóng nhắn tin tìm trẻ lạc trên loa phát thanh của công viên. Những người khách gần đó nghe thấy đã đưa Bi đến tìm cô giáo. Nhìn thấy cô giáo Bi mừng quá lại òa khóc.
Cô giáo nói:
– Con đã biết lỗi của mình chưa, nếu con không nghe lời cô thì sẽ bị lạc như lúc nãy vậy.
Bi ngoan ngoãn vòng tay:
– Con xin lỗi cô, con hứa sẽ không cãi lời nữa.
Bi lại cùng các bạn đi tham quan. Lần này thì Bi luôn luôn nắm tay các bạn và nghe lời cô giáo đi theo cả đoàn.
Ý nghĩa câu chuyện: Khi đi chơi với nhóm, bé phải tuyệt đối nghe lời người lớn nhé. Đừng mãi ham chơi mà tách khỏi nhóm, khi đó bé sẽ bị lạc và có thể gặp nguy hiểm.
CHUYỆN KỂ THỨ 8: VOI VÀ CHUỘT CÒI
Ở cuối một ngôi làng nọ là nhà của hai vợ chồng bác chuột chù tử tế và tốt bụng. Cả hai tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có mụn con nào cho vui cửa vui nhà. Cất công chạy chữa khắp nơi, cuối cùng ông trời cũng rủ lòng thương nên vợ bác chuột đậu thai và hạ sinh được một chú chuột con kháu khỉnh. Hai vợ chồng bác vui mừng khôn xiết, liền sửa soạn vài mâm cơm để thiết đãi hàng xóm.
Chuột con càng lớn càng gầy nhom vì không chịu ăn uống nhiều nên bố mẹ gọi là chuột còi. Tuy vậy chuột còi rất hiền lành ngoan ngoãn, gặp người lớn cậu đều chào hỏi lễ phép. Ai nhờ việc gì cậu cũng đều mau mắn đi ngay không nề hà. Chuột còi luôn nghĩ ra những trò chơi mới lạ, lại biết nhiều câu chuyện hay. Do đó các bạn nhỏ trong xóm rất thích chơi với chuột còi, thường tìm cậu để chơi chung.
Trong số các bạn của chuột có bạn voi mập. Hễ trông thấy bóng dáng của voi mập mọi người sẽ tản ra ngay vì nó ỷ mình to con nên thường xuyên ăn hiếp bạn bè, nhất là chuột còi. Có lần cả nhóm chơi đá bóng, voi mập đã cố ý ngáng chân chuột còi khiến cậu ngã đau điếng, đầu bị u một cục to tướng. Vậy mà voi vẫn thản nhiên nói:
– Mắt mũi đâu mà không chịu chú ý, ráng chịu à.
Các bạn rất bất bình và tội nghiệp chuột còi nhưng không thể làm được gì.
Một hôm lũ trẻ rủ nhau ra bờ sông chơi. Trong khi các bạn chơi xa bờ thì voi mãi bắt bướm đã chạy đến mép sông. Do nơi đây rất trơn trợt nên vọi trượt chân té xuống sông. Nó sợ hãi vẫy vùng kêu cứu. Một số bạn chần chừ sợ hãi, riêng chuột còi nhanh chân kiếm khúc cây dài đưa voi nắm rồi bảo mọi người kéo voi vào bờ.
Sau hôm ấy voi bị ốm phải nghỉ học ở nhà. Chuột còi lò dò đến thăm bạn. Voi con ngượng nghịu nhìn chuột , lí nhí:
– Cảm ơn chuột nhiều nhé… Tớ… xin lỗi…
– Không có gì đâu, chúng ta là bạn mà. Nhưng từ nay voi đừng hiếp đáp các bạn nữa nha.
Voi gật đầu, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Ý nghĩa câu chuyện: Bé không nên ỷ mình cao lớn, có sức mạnh mà kiếm cớ bắt nạt các bạn yếu thế hơn nhé. Như vậy chẳng có bạn nào muốn chơi cùng bé và giúp đỡ bé lúc gặp khó khăn đâu.
CHUYỆN KỂ THỨ 9: BỒ NÔNG CON LẠC MẸ
Gia đình nhà bồ nông làm tổ trên một nhánh cây cổ thụ to nhất khu rừng, cạnh dòng suối trong vắt, hiền hòa. Bồ nông con thích đeo chiếc còi nhỏ xinh mà mẹ đã làm cho, bay ra khỏi chiếc tổ ấm áp để sải những cánh tự do trên bầu trời. Có hôm vì mãi chơi, đến tối mịt bồ nông con mới về đến nhà. Biết tính con nên hàng ngày bồ nông mẹ thường nhắc nhở:
– Con nhớ mang theo chiếc còi, phòng khi nguy hiểm lấy ra dùng. Mẹ sẽ nghe tiếng mà bay đến.
Một hôm do mải miết rong ruổi nên bồ nông con đi xa dần rồi không nhớ đường về. Bị lạc khi trời sắp về chiều, bồ nông con hốt hoảng đáp xuống một cành cây, nơi có tiếng kêu ríu rít của đồng loại. Thế nhưng đó chỉ là một cái bẫy. Con người dùng máy phát ra tiếng kêu của các loài chim để dụ những chú chim khác sa vào. Bồ nông con sợ hãi:
– Nguy rồi, mình đã mắc bẫy, làm sao đây?
Sau một hồi loay hoay tìm lối thoát, nó nhớ lời mẹ từng dặn nên bình tĩnh, không vùng vẫy vì có thể mắc vào lưới chặt hơn. Chiếc còi mang theo bên mình giờ đã phát huy tác dụng. Bồ nông con cố thổi lên từng hồi. Mệt quá nó dừng lại vài giây rồi thổi tiếp.
Cứ thế, ậm thanh của những hồi còi vang lên, ngân xa. Lúc này trời chập choạng tối, bồ nông mẹ chờ mãi mà chưa thấy con về nên dáo dác đi tìm. Chợt bồ nông mẹ nghe thấy tiếng còi của con. Nó mừng lắm, vội vã bay đến nơi phát ra tiếng còi.
May mắn thay con người vẫn chưa cất bẫy. Gặp được con, bồ nông mẹ cố giải thoát cho con nhưng vì lưới quá nặng, một mình nó không thể làm gì để nâng lưới lên. Bồ nông mẹ đành bay đi kêu những con trong bầy đàn đến nhờ giúp đỡ.
Thoát nạn, bồ nông con mừng đến rơi nước mắt, rối rít cảm ơn mọi người đã cứu mình. Bồ nông con đã học được một bài học nhớ đời vì đã ham chơi. Nó hứa với mẹ từ nay không đi chơi xa như thế nữa.
Ý nghĩa câu chuyện: Bồ nông con suýt chút nữa là gặp nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy khi đến nơi xa lạ, bé nên đi cùng và nghe theo hướng dẫn của người lớn nhé. Nếu đi lạc, bé hãy bình tĩnh nhờ người khác giúp mình tìm người thân.
CHUYỆN KỂ THỨ 10: BÀ TIÊN KẸO
Ở một vương quốc xa xôi nọ, có một bà tiên kẹo rất hiền lành và yêu thương trẻ con. Trong nhà bà lúc nào cũng có đủ các loại kẹo với nhiều màu sắc khác nhau. Bà thường dùng kẹo để thưởng cho các em bé ngoan ngoãn.
Bà tiên kẹo đi khắp nơi trên trái đất, đến từng thôn xóm để xem trẻ em ở vùng đó có ngoan không. Nếu gặp bé nào ngoan, bà sẽ thưởng kẹo, còn không thì bà sẽ dạy dỗ thêm. Một ngày kia, bà đến một ngôi làng có tên là Hoa Hồng và hóa thân thành một bà lão trong bộ quần áo rách rưới, ngồi dưới một gốc cây đầu làng.
Bé Tít và Xoắn đi mua bánh mì cho mẹ ngang qua và nhìn thấy bà bị ngất bên đường. Tít định chạy lại xem nhưng Xoắn ngăn lại:
– Đừng đến gần bà ấy anh Tít ơi, trông bà ấy bẩn thỉu, sẽ lây bệnh cho hai anh em mình mất.
Tít mặc kệ Xoắn nói, chạy đến bên bà và lay hỏi:
– Bà ơi, bà bị sao thế?
Bà lão trả lời:
– Ta đói lắm, ba ngày nay ta chẳng có gì để ăn cả.
Tít liền đưa ổ bánh mì cho bà lão. Xoắn la lên:
– Mẹ sẽ la anh cho mà xem.
Bà lão cảm ơn Tít. Khi ăn xong bánh, bà chống gậy đi mất.
Về tới nhà, Xoắn đã chạy tới mach mẹ mọi chuyện. Không hề la rầy Tít, mẹ còn bảo với Xoắn:
– Không có bánh mì cũng không sao đâu con ạ. Chúng ta có thể uống sữa cũng được. Anh Tít đã giúp đỡ người khác, đây là việc làm rất tốt và đáng khen. Bé Xoắn hãy học hỏi anh nhé.
– Ơ, như thế là việc làm tốt hả mẹ? Dạ con sẽ nhớ lời mẹ ạ.
Vừa lúc đó có tiếng gõ cửa. Ba mẹ con bước ra mở cửa. Lạ thay chỉ có một giỏ đầy bánh kẹo và một bức thư đặc trước cửa. Mẹ mở thư ra đọc: “Ta là bà tiên kẹo. Ta tặng cho cháu giỏ bánh kẹo này để tỏ lòng cảm ơn cháu đã giúp ta nơi đầu làng. Khi ăn bánh kẹo, cháu đừng quên đánh răng mỗi tối nhé kẻo sâu răng đấy!”.
Tít vui mừng lắm và không quên chia kẹo lại cho em Xoắn.
Ý nghĩa câu chuyện: Các bé đừng thờ ơ khi gặp người hoạn nạn dù trông bề ngoài họ có xấu xí rách rưới nhé. Bè hãy giúp đỡ họ nhiệt tình bằng sức của mình.
CHUYỆN THỨ 11: CHIẾC VÍ BỊ ĐÁNH RƠI
Anh em Bi và Bo bước ra từ một cửa hàng đồ chơi. Bo nói:
– Em thích con cừu bông màu trắng quá.
– Anh thích chiếc máy bay mô hình cơ, nhưng chúng ta không có tiền mua đâu. Về thôi em.
Hai anh em vừa bước ra khỏi cửa thì Bo nhìn thấy một chiếc ví.
– Ví của ai làm rơi này anh.
Bi mở ví ra xem, con số trên những tờ tiền quá lớn đến nỗi Bi cũng chưa học tới. Bi nói với em:
– Có rất nhiều tiền em ạ.
Mắt Bo sáng lên:
– Hay mình dùng tiền này để mua đồ chơi đi anh Hai?
Thấy đề nghị của Bo hợp với mong muốn của mình, nhưng cậu bé chợt nhớ đến chuyện mẹ mất tiền tuần trước nên nói với em:
– Bo có nhớ lần trước mẹ bị mất ví không? Mẹ đã buồn mất mấy ngày luôn đó. Thôi để anh tìm cách trả lại ví cho người đánh mất.
Nói xong Bi dắt Bo quay lại quầy thu ngân rồi nói với cô nhân viên:
– Cô ơi, tụi con nhặt được chiếc ví này ở cửa. Cô giúp tụi con trả chiếc ví này cho người đã đánh mất nhé.
Cô nhân viên mỉm cười với hai anh em rồi nói:
– Các con ngoan lắm, chờ cô chút xíu.
Nói rồi cô hỏi lớn lên để xem trong cửa hàng có ai làm mất ví không.
Một phụ nữ nghe thấy thế hớt hải chạy đến và nhận chiếc ví là của mình. Cô nhân viên kiểm tra xem giấy tờ trong ví đúng là của vị khách nọ nên cho cô ấy nhận lại ví tiền. Người phụ nữ cảm ơn Bi và Bo rối rít rồi ngỏ ý sẽ tặng cho mỗi bé một món đồ chơi bán trong cửa hàng và để các bé tự chọn.
Bi và Bo mừng lắm, liền đến quầy đồ chơi chọn hai món mà mình thích. Song con cừu bông đã có người mua mất rồi nên Bo chọn gấu bông. Anh Bi thì có được chiếc máy bay như ước nguyện của mình. Anh em Bi cảm ơn người phụ nữ rồi tung tăng về nhà kho e với mẹ món quà mà người lạ đã tặng cho mình.
Ý nghĩa câu chuyện: Những ai vô tình làm mất tài sản có giá trị như giấy tờ, tiền bạc… đều sẽ rất buồn và tiếc. Nếu vô tình nhặt được những món đồ ấy, bé hãy mang đến công an, trường học hoặc nhờ người lớn trả lại cho người đã đánh mất. Như vậy bé đã làm được một việc tốt rồi đấy.
CHUYỆN KỂ THỨ 12: TÌNH BẠN ĐẶC BIỆT
Ở một ngôi làng nọ, có một cậu bé tên Bo sống trong một căn nhà nhỏ cùng với mẹ của mình. Hàng ngày sau giờ đến lớp, Bo vào rừng nhặt củi giúp mẹ.
Một hôm, trên đường đi vào rừng, Bo nhìn thất một chú cún con bị bỏ rơi bên vệ đường, trông chú rất đáng thương và buồn bã. Thấy chú Cún bị đói, Bo quyết định mang chú về nhà chăm sóc.
Về đến nhà, Bo nói với mẹ:
– Mẹ ơi, con nhặt được chú cún này. Mẹ cho cún ở nhà với con nha mẹ?
Mẹ nhìn Bo ái ngại:
– Nhà mình chật lại nghèo nữa, làm sao nuôi được nó hả con?
– Không sao ạ, con sẽ nhường phần cơm của mình cho nó và ngủ cùng với nó mẹ nha!
Thấy Bo thật sự thương chú cún, mẹ cậu cũng không nỡ từ chối. Bà gật đầu đồng ý. Bo rất vui sướng, ôm chú cún nhỏ và lòng và vuốt ve chú. Cậu đặt tên cho cún là Mi Lu.
Từ ngày có Mi Lu, đi đâu Bo cũng dẫn chú theo, cả hai trở thành đôi bạn gắn bó thân thiết với nhau. Có quà bánh gì, Bo đều chia cho Mi Lu một nửa. Ngoài giờ học, Bo dẫn theo Mi Lu vào rừng kiếm củi. Rồi cậu dắt chú cún lên đồi chơi đá banh, ném củi và trốn tìm. Tối đến, cả hai cùng ngủ với nhau trên chiếc giường ọp ẹp và mơ những giấc mơ thật đẹp.
Một ngày nọ, chú cún Mi Lu bị bệnh nên không theo Bo vào rừng nhặt củi. Hôm đó trời mưa nên đường trơn trợt, trên đường về Bo bị trợt chân ngã xuống hố. Thấy con lâu quá không về, mẹ Bo vội vã đi tìm cùng với nhữn người hàng xóm tốt bụng. Cún con cũng tham gia tìm kiếm và đánh hơi tìm thấy cái hố nơi Bo bị rơi xuống, chú sủa to lên báo hiệu cho mọi người biết.s
Biết Bo đang ở dưới hố, một người hàng xóm chạy về nhà lấy sợi dây thừng. Nhờ sợi dây thừng, mọi người kéo được Bo lên khỏi hố. May mắn là cậu bé chỉ bị trầy xước nhẹ. Bo vui mừng cảm ơn mọi người đã giúp đỡ mình và ôm chú chó nhỏ vào lòng âu yếm. Từ đó tình bạn của Bo và Mi Lu ngày càng khắng khít hơn.
Ý nghĩa câu chuyện: Bé hãy biết yêu thương mọi loài vật sống xung quanh mình nhé. Các con vật cũng có cảm xúc vui buồn như bé vậy. Khi bé dành cho chúng những tình cảm đặc biệt thì chúng sẽ làm điều tương tự đối với chúng ta.
CÂU CHUYỆN 13: SỰ TÍCH CẦU VỒNG
Xưa lắm rồi, các màu trên mặt đất bỗng dưng cãi nhau. Màu nào cũng tự cho rằng mình là tuyệt hảo, quan trọng nhất, hữu ích nhất và được ưa chuộng nhất.
Màu lục bắt đầu: Dĩ nhiên là tôi quan trọng nhất. Tôi là biểu tượng của sự sống và niềm hi vọng. Tôi được chọn để tạo thành cỏ cây. Thiếu tôi cảnh vật sẽ tiêu điều. Hãy nhìn vạn vật xung quanh, các bạn hẳn thấy tôi đúng.
Màu xanh ngắt lời: Bạn chỉ nghĩ đến những gì trên mặt đất, hãy ngước nhìn trời xanh và dõi ra biển biếc. Từ đáy biển sâu đến chín tầng mây cao, sự sống tồn tại được đều nhờ vào nước. Trời xanh bao la mang hình ảnh của sự thanh bình. Nếu không có thanh bình muôn loài ai nấy cũng sẽ xác xơ.
Màu tím cãi lại: Tôi là màu của sức mạnh. Từ vua quan đến hàng giáo phẩm đều chọn màu của tôi vì tôi tượng trưng cho quyền uy và thông thái. Ai ai cũng sẵn sàng lắng nghe và tùng phục.
Màu vàng cười vang: Sao toàn là chuyện nghiêm túc quá thế. Tôi cho rằng chỉ có tôi mới mang lại niềm vui và sự ấm áp cho đời mà thôi. Này nhé, mặt trời vàng, mặt trăng vàng, các vì sao vàng, tất cả đem lại sự vui tươi và nụ cười cho toàn thế giới. Vắng tôi là thiếu hẳn đi niềm hân hoan.
Đến lượt màu cam tự khen: Tôi là màu của sức khỏe, của sự đổi mới. Có lẽ tôi là một màu quí vì tôi phục vụ mọi nhu cầu của con người. Tôi mang các sinh tố quan trọng nhất, hãy nhìn các loại trái cây thì biết. Tôi ít khi có mặt nhưng khi tôi nhuộm bầu trời bình minh hay bầu trời hoàng hôn, vẻ đẹp mê hồn của tôi khiến không còn ai nhớ đến các bạn nữa.
Màu chàm tiếp lời, giọng nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: Các bạn hãy nghĩ đến tôi xem nào. Tôi là màu của sự tĩnh lặng. Phải để ý đến tôi vì thiếu tôi, các bạn sẽ trở nên hời hợt, thiếu sâu sắc. Tôi đại diện cho tâm hồn, ý tưởng và sự tinh tế. Ai cũng cần tôi để có được một cuộc sống cân bằng cũng như tạo nên sự khác biệt. Tôi hữu dụng cho lòng tin, những giây phút trầm tư, an lạc nội tâm.
Đến lúc này màu đỏ không thể kiềm chế được nữa, quát to: Ta đây mới đích thị là “SẾP”. Ta là máu, là sinh lực. Ta là màu báo nguy, màu của sự can đảm. Ta là lửa. Ta là màu của đam mê, của tình yêu, của hoa hồng, của hoa anh túc… Thiếu ta, địa cầu sẽ ảm đạm như mặt trăng kia.
Và rồi các màu lại tiếp tục khoe khoang; mỗi màu tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để che chở cho nhau.
Mưa nói: Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau. Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và đặc biệt trong thế giới này. Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi.
Các màu nghe có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau.
Mưa khuyên tiếp: Từ giờ trở đi, khi nào mưa mỗi bạn hãy nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình. Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.
CÂU CHUYỆN 14: BONG BÓNG ĐỎ HAM CHƠI
Ở một vương quốc thần tiên nọ có năm nàng tiên. Mỗi nàng tiên có một nhiệm vụ khác nhau. Nàng tiên xanh lá chăm sóc vườn tược, nàng tiên vàng chăm sóc đất đai, nàng tiên xanh dương cung cấp nước sạch, nàng tiên trắng điều hòa thời tiết. Nàng tiên đỏ có nhiệm vụ quan trọng nhất là cung cấp lương thực và lửa để sưởi ấm cho người dân. Điều đặc biệt là các nàng tiên này đều bay bằng bong bóng.
Một tối nọ khi các nàng tiên đi ngủ và buộc các quả bóng lên cành cây bong bóng xanh mới quay qua hỏi bong bóng đỏ:
– Sao cậu trông buồn bã thế?
– Tớ không thích công việc này nữa, tớ sẽ ra đi để làm điều mình mong muốn.
Các bong bóng khác ra sức can ngăn nhưng bong bóng đỏ nặc kệ. Khuya hôm đó, bong bóng đỏ nới lỏng nút thắt trên cành cây, nương theo ngọn gió và bay vụt lên trời.
Do không có bong bóng đỏ nên nàng tiên đỏ không thể xuống trần. Rất nhiều người bị đói và rét. Dù đã bay đi rất xa nhưng bong bóng đỏ cũng nhìn thấy cảnh ấy. Nó giật mình vì hành động của mình lại gây ảnh hưởng lớn đến người khác nên nhanh chóng bay về. Gặp lại bong bóng đỏ, nàng tiên đỏ mừng rỡ và cùng nó bay xuống trần.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nàng tiên đỏ nói:
– Ta biết em có chút buồn chán. Chúng ta hãy rủ các nàng tiên khác đi chơi một chuyến nhé.
Mọi người vui vẻ tán thành. Các nàng tiên và bong bóng đã có chuyến đi chơi thật vui vẻ. Từ đó bong bóng đỏ không bỏ nhiệm vụ nữa vì nó biết công việc của nó rất quan trọng là đem đến hạnh phúc cho mọi người.
Ý nghĩa câu chuyện: Đôi lúc bố mẹ sẽ bắt bé làm việc mà mình không thích, nhưng mỗi công việc đều có ý nghĩa riêng. Bé đừng ham chơi mà lơ là việc được giao nhé.
CÂU CHUYỆN 15: CHIM SÂU KIÊU CĂNG
Ở nơi bìa rừng, có một gia đình chim sâu sống rất vui vẻ bên nhau. Gia đình chim có 3 thành viên là chim bố, chim mẹ và cô bé chim sâu xinh xắn.
Một hôm chị chim sẻ bay ngang, nhìn thấy chim sâu chị trầm trồ khen ngợi:
– Ôi chim sâu bé, em thật là dễ thương, bộ lông của em đẹp quá.
Nghe thấy thế, chim sâu thấy rất thích. Cô bé chạy ngay vào nhà soi gương và tủm tỉm cười.
Từ hôm đó, cô bé chim sâu suốt ngày chỉ lo chải chuốt, không chịu theo bố mẹ đi tìm thức ăn và làm việc nhà. Cô bé sợ những công việc ấy làm vấy bẩn bộ lông xinh đẹp của mình. Do được cô bé chăm chút kỹ nên bộ lông chim sâu ngày càng đẹp và óng mượt hơn.
Vì thế, mỗi khi cô bé chim sâu xuất hiện, các loài chim khác đều xuýt xoa khen ngợi bộ lông óng mượt ấy. Điều này càng khiến chim sâu kiêu ngạo và hay lên tiếng chê bai kẻ khác. Đặc biệt là bồ câu, người bạn thân của cô bé cũng không thoát khỏi những lời chê hợm hĩnh của chim sâu.
– Cậu càng ngày càng xấu thế, sẽ không có ai chơi với cậu đâu.
Nghe bạn chê mình, bồ câu không nói gì mà buồn bã bay đi nơi khác.
Càng ngày chim sâu càng kiêu căng. Do nghĩ rằng bộ lông của mình là đẹp nhất, nên gặp ai cô bé cũng không ngớt lời dè bỉu. Vì vậy mà dần dần không còn ai thích chơi với chim sâu nữa. Mỗi lần chim sâu sà xuống ngỏ ý muốn chơi cùng thì các bạn đều bay đi mất, bỏ mặc nó lại một mình. Vài lần như thế, chim sâu nhận ra không có bạn sẽ buồn như thế nào. Cô bé buồn lắm, bay về nhà và kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe.
Sau khi lắng nghe cô bé kể, mẹ chim sâu mới nhỏ nhẹ khuyên rằng:
– Đó là do con đã quá kiêu căng, hết chê bạn này đến chê bạn khác. Ai cũng có ưu điểm của mình cả, con và các bạn con đều rất đẹp. Con hãy đến nhà các bạn để xin lỗi đi nhé, nhất là bồ câu – bạn thân của con đấy.
Nghe lời mẹ, chim sâu đã đến nhà từng bạn để xin lỗi. Thấy chim sâu thật lòng, các bạn cũng không giận nữa. Cả bọn cùng nhau vui vẻ bay lên bầu trời xanh.
Ý nghĩa câu chuyện: Trong cuộc sống, bé cần có đức tính khiêm tốn. Dù có xinh đẹp hơn ai, bé cũng không bao giờ được coi thường người khác. Tính kiêu căng tự phụ sẽ làm cho bạn bè xa cách và không chơi với bé nữa đấy.
CÂU CHUYỆN 16: BÓNG ĐÁ TRONG RỪNG
Một lúc nào đó, ở một khu rừng sâu xa, các loài động vật quyết định tổ chức một trận bóng đá. Voi và hổ là hai đội trưởng. Đội của voi gồm những con nặng trịch như sư tử, hà mã, tê giác; còn đội của hổ gồm những con nhẹ nhàng như chó hoang, cáo, linh dương.
Trận đấu bắt đầu náo nhiệt, từng đợt tấn công nảy lửa! Nhưng bất ngờ, một con gà trống, không thuộc đội nào, xông vào sân và… gáy! Tất cả đều đứng hình.
Gà trống sau khi gáy xong, nhẹ nhàng nói, “Chúng ta đang chơi bóng hay đánh nhau? Hãy nhớ, chúng ta là bạn bè!” Mọi người đều cười vang, và trận đấu tiếp tục nhưng với tinh thần thân thiện hơn.
Ý nghĩa của câu chuyện: Đôi khi, chúng ta cần một góc nhìn mới để nhớ về giá trị thực sự của cuộc sống.
CÂU CHUYỆN 17: MÈO VÀ CHUỘT TRONG LÂU ĐÀI
Chuột bé nhỏ sống trong một lâu đài cổ xưa, luôn trốn tránh con mèo đen, kẻ thù tự nhiên của nó. Nhưng một ngày, chuột phát hiện ra mèo đang khóc bên cạnh bức tranh của một con mèo trắng.
Chuột tiến lại, hỏi: “Tại sao bạn khóc?”. Mèo trả lời, “Đó là hình ảnh của mẹ tôi, mèo trắng trong bức tranh. Tôi nhớ mẹ quá”. Chuột nắm lấy đuôi mèo, nói: “Chúng ta hãy trở thành bạn bè và tưởng nhớ về những kỷ niệm đẹp”.
Kể từ đó, chúng trở thành bạn thân và sống hạnh phúc trong lâu đài.
Ý nghĩa của câu chuyện: Không bao giờ đánh giá một người chỉ qua vẻ ngoại hình hoặc tiền sử của họ.
CÂU CHUYỆN 18: CÁ VÀ BONG BÓNG
Trong một bể cá, một con cá vàng thường chơi với một quả bong bóng mà nó tìm thấy. Nó thích đẩy bong bóng lên và xem nó lưu lạc trong nước. Nhưng một ngày, bong bóng vỡ.
Cá vàng buồn rầu không biết làm gì, cho đến khi một con cá đỏ đến và nói, “Đừng buồn, chúng ta có thể tạo ra nhiều bong bóng hơn từ bong bóng khí mà chúng ta thổi ra!” Và hai con cá cùng nhau tạo ra một bể cá đầy bong bóng khí.
Ý nghĩa của câu chuyện: Mọi vấn đề đều có giải pháp, chỉ cần chúng ta sẵn lòng tìm kiếm và sáng tạo.
Qua 15 câu chuyện kể hay cho bé mà Mẹo Hay đã sưu tầm bên trên các bạn cảm thấy như thế nào? Nếu như các bạn có những mẫu kể chuyện cho bé hay và ý nghĩa hơn hãy gửi về địa chỉ email liên hệ của Meohayaz tại: lienhe@meohayaz.com để chia sẻ cùng với những bà mẹ khác nhé ^^.
Xem thêm